4 năm trước bạn mừng cưới tôi một chỉ vàng (3,4 triệu đồng), giờ giá vàng tăng lên 6 triệu, nhưng nếu tôi mừng bạn 3,5 triệu có hợp lý?
Ngày nay, việc mừng cưới bằng vàng đã trở thành xu hướng, không chỉ trong mối quan hệ gia đình, mà những nhóm bạn thân cũng bắt đầu chúc phúc cho nhau bằng nhẫn thay vì đưa tiền mặt. Trớ trêu, trong thời kỳ giá vàng liên tục nhảy múa tăng vọt, tình bạn cũng dễ có nguy cơ tan vỡ nếu người trong cuộc không cân nhắc kỹ lưỡng.
Bài toán giả định: A và B là hai người bạn thân, cả hai cùng thỏa thuận sẽ mừng cưới đối phương một chỉ vàng. A cưới trước, B lúc này bỏ ra 3,4 triệu đồng mua một chiếc nhẫn tặng A. Bốn năm sau B mới cưới và tức giận khi thấy A chỉ mừng lại mình 3,5 triệu đồng tiền mặt, trong khi giá vàng hiện tại đã ở mức gần 6 triệu đồng một chỉ.
Tôi không muốn khẳng định B sai, vì cô ấy sai về nhận thức, chứ không sai về mặt ý thức. Nếu tình huống đổi ngược vị trí, thì tôi đoán chắc B sẽ mừng trả lại A đúng một chỉ vàng cho dù giá vàng có tăng cao hơn nữa. Đồng thời bỏ qua cả yếu tố A đã thất hứa vì cuộc sống không mấy ai lường trước được mình sẽ gặp khó khăn tài chính trong tương lai, nên cần thông cảm cho họ.
Vấn đề đặt ra ở đây là, A mừng lại bạn 3,5 triệu đồng thay vì một chỉ vàng liệu có hợp lý không?
Tiền mừng cưới cũng như tiền lì xì là dựa trên tinh thần tự nguyện, tùy tâm, không phải là khoản tiền đầu tư, vì vậy không nên đặt kỳ vọng bản thân sẽ có lãi hay ít ra là phải hòa vốn. Tuy nhiên, cũng cần một quy ước ngầm rằng số tiền mừng không nên thấp hơn số tiền đã được nhận trước đó để tránh sứt mẻ mối quan hệ. Ngoài ra, khoản tiền này còn được đặt trong mối liên hệ với chi phí của bữa ăn và mối tương quan với mức độ thân thiết của tình bạn. Tôi nghĩ rằng chỉ có mâm cỗ là thứ duy nhất đem ra trao đổi với tiền mừng; chi phí rạp cưới, váy cưới cô dâu… nên coi là phần gia chủ tự chịu.
Nếu đã cho rằng tiền mừng cưới không phải là một hình thức đầu tư, thì không cần phải tranh cãi chuyện lợi nhuận chênh lệch do giá vàng thay đổi nên thuộc về ai nữa. Rõ ràng, nó phải thuộc về chủ sở hữu, hay người giữ gìn cái nhẫn này. Vì B không phải đang đầu tư vào A, mà B đã chuyển nhượng chiếc nhẫn vàng sang cho A, nên A mới chính là chủ nhân của chiếc nhẫn.
Nếu sau đám cưới, A cần tiền kinh doanh nên bán nhẫn đi luôn, thì số tiền A thu được tương đồng với số tiền A mừng lại B sau bốn năm. Nếu A không bán mà giữ lại chiếc nhẫn chờ giá vàng lên, thì A vẫn xứng đáng có được phần lợi nhuận này. Trong chuyện này, B bỏ ra 3,4 triệu đồng mừng cưới bạn, nhận lại 3,5 triệu đồng, cũng đâu có thiệt gì.
Giả sử tình huống khác đi một chút, giá vàng bốn năm sau quay đầu xuống mức 1,7 triệu đồng một chỉ. Lúc đó, A hẳn có thể mừng B được hai chiếc nhẫn. Nếu đòi hỏi quy đổi thành vàng tương đương, không biết liệu B sẽ phản ứng ra sao nếu A chỉ mừng lại có một chiếc thôi?
Tôi có cô bạn thân rất thân học chung trường Đại học, đến nay tình bạn cũng được 13 năm rồi. Tôi hỏi cô ấy, nếu tôi là B, cô ấy là A, thì cô ấy sẽ làm thế nào? Suy nghĩ của bạn có lẽ là suy nghĩ chung của phần lớn người Việt. Bạn tôi nói nếu không quá khó khăn thì sẽ mừng lại tôi một chỉ vàng. Tôi nói: “Còn tao sẽ mừng lại mày bằng tiền, bù thêm chút phần lạm phát vật giá hàng hóa thiết yếu”.
Tất nhiên, mối quan hệ của chúng tôi vẫn luôn tốt đẹp, chưa từng mâu thuẫn dù nó hào phóng còn tôi “kẹt xỉ” hơn. Cả hai đứa luôn trao đổi vấn đề tiền bạc rõ ràng trước khi thực hiện nên ít khi xảy ra bất đồng, mâu thuẫn. Trong tình bạn, nếu không thể đạt được trạng thái win-win, thì chỉ cần đừng ai bị thiệt là sẽ lâu bền.
Nếu mừng cưới bằng vàng, và giá vàng thay đổi, vậy sẽ luôn có một người phải chịu thiệt nếu ta cứ muốn đối phương cũng phải trả lại lượng vàng tương đương. Bạn lợi – mình thiệt, hay bạn thiệ t- mình lợi, suy cho cùng cũng đều là chuyện không vui. Đặc biệt sau hôn nhân, chuyện tiền bạc không còn là chuyện cá nhân nữa.