Khi đàn ông biết cư xử đúng mực, chăm sóc nội ngoại đôi bên như một thì bất cứ người vợ nào cũng sẵn sàng tự nguyện tận tâm 1 đời vì các anh. Ngược lại nếu chồng thiên vị, đối xử thiếu công bằng với nhà ngoại thì trước sau sóng gió hôn nhân cũng ập tới, giống câu chuyện mới được chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây chẳng hạn.
Nội dung câu chuyện như sau: “Bố em mất sớm, chỉ còn mình mẹ nên ngày con gái lúc nào em cũng tự nhủ sẽ lấy chồng gần để có thể chạy đi chạy lại chăm lo cho bà. Cuối cùng mục tiêu đề ra đã thực hiện được nhưng lại không thể thường xuyên chăm lo cho nhà đẻ như mong muốn.
Tại chồng em tư tưởng bảo thủ, lúc nào anh cũng cho rằng phụ nữ lấy chồng là phải toàn tâm toàn sức lo cho nhà nội, ngoại thì gần như hết trách nhiệm. Tất nhiên, phận làm dâu em không ngại chuyện chăm sóc cho bố mẹ chồng.
Tuy nhiên việc gì cũng phải có đi có lại. Đằng này bố mẹ anh ốm, anh bắt vợ nghỉ việc trông nom, thậm chí nghỉ cả tuần, cả tháng. Anh nói rằng nhiệm vụ của em là phải thay anh chăm sóc, tận hiếu bố mẹ.
Thế nhưng mẹ vợ ốm, em giục được anh sang thăm còn khó chứ chưa nói gì tới chuyện anh tự tay chăm sóc bà”.
Bài chia sẻ của người vợ
Sự phân biệt đối xử của chồng đối với nhà ngoại khiến người vợ ấm ức vô cùng. Cô kể, không ít lần cô nhắc nhở, góp ý thẳng thắn với chồng, yêu cầu anh có sự quan tâm công bằng giữa hai nhà nội ngoại.
Tuy nhiên chồng cô luôn tỏ thái độ khó chịu và nói rằng “dâu là con, rể là khách”. Cô về làm dâu nhà anh đương nhiên phải có trách nhiệm chăm sóc bố mẹ chồng. Ngược lại, rể là khách, anh thích thì sang nhà vợ, không thì thôi, không ai có quyền yêu cầu. Mà anh có về thì cũng chỉ là “khách”, không việc gì phải lăn lộn lo việc nhà vợ.
“Hôm cuối tuần là giỗ bố đẻ em. Sáng hôm ấy em dậy sớm giục chồng chuẩn bị đồ đưa vợ con về ngoại thì anh bảo: ‘Anh hẹn bạn đi câu rồi. Em về 1 mình đi. Trưa anh về kịp thì ăn cơm bên đó không thì thôi’.
Anh còn giở giọng bảo rằng, bố em mất mười mấy năm rồi, có phải giỗ đầu đâu mà quan trọng. Với lại rể là khách, tới bữa anh về ăn cỗ được rồi.
Nghe tới đây thì em hết nhịn nổi nên nói thẳng: ‘Nếu anh nghĩ mình là khách thì tôi nói luôn, giỗ bố tôi chỉ có người trong nhà, con cháu quây quần đoàn tụ chứ nhà tôi không mời khách. Vậy nên anh không cần phải sang ăn nữa.
Ảnh minh họa
Tiện hôm nay tôi nói rõ luôn với anh 1 lần cuối. Cũng giống như anh, lấy vợ là để mang về cho bố mẹ 1 nàng dâu hiền thì tôi lấy chồng là để cha mẹ mình có 1 chàng rể thảo chứ không phải rước về cho họ 1 “ông khách”. Nếu anh đã không coi nhà vợ là gia đình mình thì từ nay cũng đừng mong tôi tận tâm hết lòng vì anh. Không chỉ có hôm nay mà những ngày sau này anh cũng không cần phải sang nhà bố mẹ tôi làm gì’.
Nói xong em dắt xe đưa con về ngoại, tưởng lão ấy sẽ làm căng với vợ mà không sang. Tuy nhiên mẹ con em về nhà đẻ được 1 lúc thì lão phi xe vào sân.
Lão niềm nở chào hỏi mọi người nhưng nhìn em với ánh mắt lầm lì, hằn học lắm. 1 tuần nay 2 đứa vẫn chưa đứa nào nói chuyện với đứa nào. Lần này em sẽ làm căng tới cùng đến khi lão biết nhận sai mới thôi”.
“Dâu là con, rể là khách”, không ít người chồng dựa vào câu nói này làm lý do để trốn tránh trách nhiệm với nhà ngoại. Lúc nào họ cũng nghĩ, về nhà vợ mình được đặc quyền làm “khách”, không động chân động tay vào việc nhà ngoại.
Ngược lại họ yêu cầu vợ phải lo đủ mọi trách nhiệm với bên nội. Điều này sẽ khiến phụ nữ bất bình bởi dù có bao dung tới đâu thì cũng có lúc họ mệt mỏi mà vùng lên đấu tranh giành lấy sự công bằng cho bản thân và gia đình giống như người vợ trong câu chuyện trên chẳng hạn.