Sau gần 1 năm liên tục giảm, hiện nay hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động, báo hiệu cho một “cuộc đua” tăng lãi suất?
Kể từ sau Tết Nguyên đán 2024, thị trường chứng kiến thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất tiền gửi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Hiện tiền gửi kỳ hạn một tháng có lãi suất cao nhất chỉ ở mức 3,3%/năm, kỳ hạn năm tháng là 3,6%/năm – cách xa mức trần 4,75%/năm theo quy định hiện nay. Chênh lệch giữa mức lãi suất bình quân kỳ hạn dưới sáu tháng và trên sáu tháng của các ngân hàng đã thu hẹp về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây ở 1,2 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, có một số tín hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất tiền gửi dường như đã chạm đáy, khi đã có ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiền gửi trở lại.
Có thể kể đến như Eximbank bất ngờ tăng lãi suất 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 1-3 tháng, có hiệu lực từ ngày 22/3. SHB từ ngày 23/3 tăng 0,2 điểm phần trăm ở kỳ hạn một tháng và 12 tháng, tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn hai tháng và 18 tháng, tăng 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng. Ngân hàng có quy mô lớn thuộc tốp đầu là VPBank cũng tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn một tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn còn lại kể từ ngày 27/3.
Đáng chú ý nhất là Agribank, sau hai lần giảm lãi suất trước đó trong tháng 3, những ngày cuối tháng 3 đã bất ngờ tăng lãi suất trở lại với mức tăng 0,1 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-11 tháng, đặc biệt tăng mạnh 0,5 điểm phần trăm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Sự đảo chiều trong chính sách lãi suất tiền gửi của một ngân hàng lớn như Agribank, nhất là ở các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, từ mức thấp nhất trên thị trường lên mức trung bình cao, phần nào cho thấy triển vọng lãi suất trong dài hạn đứng trước khả năng sẽ đi lên trở lại.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn qua đêm giữa các tổ chức tín dụng trong ngày giao dịch cuối tháng 3 bất ngờ tăng vọt lên 2,51%, tức tăng đến 220 điểm cơ bản (bps) so với ngày trước đó, với khối lượng giao dịch tăng gấp 2,2 lần. Tương tự, các kỳ hạn ngắn như một tuần, hai tuần và một tháng cũng tăng lần lượt 128 bps, 74 bps và 64 bps so với phiên giao dịch trước đó.
Tính đến ngày 7/4, ABBank là ngân hàng có lãi suất gửi tiết kiệm cao nhất hiện nay với mức 9,65%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, áp dụng cho số tiền gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên.
Đứng thứ hai là PVcomBank với mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi 12-13 tháng với số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. Mức lãi suất trên áp dụng cho số tiền gửi khá lớn, 2.000 tỷ đồng. Tháng trước, PvcomBank áp dụng mức lãi suất 10% cho kỳ hạn này với điều kiện tương tự.
Kế tiếp là HDBank với mức lãi suất khá cao, 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, điều kiện duy trì số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
MSB cũng áp dụng mức lãi suất khá cao với lãi suất tiền gửi tại quầy ngân hàng lên tới 8%/năm cho kì hạn 13 tháng. Điều kiện áp dụng là sổ tiết kiệm mở mới hoặc sổ tiết kiệm mở từ ngày 1.1.2018 tự động gia hạn có kỳ hạn gửi 12 tháng, 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Xu hướng tăng lãi suất đã manh nha từ nửa sau tháng 3, khi chứng kiến 4 ngân hàng thương mại lần lượt tăng lãi suất huy động trở lại. Trong đó, đáng chú ý là “ông lớn” Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng lãi suất với tất cả các kỳ hạn tiền gửi với mức tăng từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.