4 ngân hàng lớn chỉ bán, không mua lại vàng miếng từ người dân, lý do vì sao? Vậy mua vàng xong đến đâu để bán lại?
4 ngân hàng quốc doanh sẽ bán vàng miếng SJC để bình ổn thị trường, nhưng không thu mua lại từ người dân.
Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) hôm nay cho biết từ 3/6 sẽ bán vàng miếng bình ổn ra thị trường tại một số chi nhánh ở Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, nhà băng này chỉ bán vàng ra, không thực hiện chiều mua lại từ người dân.
Nếu muốn bán vàng, người dân có thể đến các doanh nghiệp kinh doanh như SJC, DOJI, PNJ…
Tương tự, đại diện hai ngân hàng trong nhóm Big 4 cũng cho biết sẽ không mua lại vàng miếng từ người dân và chỉ triển khai ở hai thành phố lớn nhất nước. Việc mở rộng mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành khác sẽ được triển khai sau.
Vàng miếng được bán tại một cửa hàng của SJC, tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Ngoài các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng cũng có giấy phép kinh doanh vàng miếng song thời gian qua, không phải lúc nào họ cũng thu mua lại từ người dân. Việc mua lại tùy thuộc vào nhu cầu dự trữ vàng từng thời điểm, cũng như thế mạnh về kinh doanh kim loại quý của từng ngân hàng.
Một chuyên gia trong ngành lý giải không dễ để các ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thu mua vàng miếng. Nếu họ mua lại vàng miếng từ dân, ngân hàng sẽ phải đầu tư hẳn một mảng kinh doanh mới, bao gồm hệ thống và nhân sự chuyên về vàng. Đây là bài toán khó với họ, trong bối cảnh nhiều năm qua nhiều ngân hàng gần như không còn thực hiện nghiệp vụ kinh doanh vàng.
Lâu nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) vẫn thu mua lại vàng miếng dù khách hàng không có hoá đơn hoặc không mua trực tiếp từ họ. Kể cả miếng vàng hư hỏng bao bì nhưng nếu vàng được kiểm định đạt chất lượng, SJC thu mua theo đúng giá niêm yết, không xảy ra tình trạng “ép giá”.
Tại các đơn vị có giấy phép kinh doanh vàng miếng khác, việc thu mua vàng miếng tuỳ thuộc vào chính sách kinh doanh từng đơn vị. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp này có hệ thống xác thực được số series cũng như luồng đi của vàng miếng. Bên cạnh đó để kiểm tra chất lượng vàng miếng, ngoài việc đánh giá bằng mắt thường, các đơn vị này cũng có máy móc để kiểm tra.
Để mua vàng “bình ổn”, Vietcombank cho biết người dân tới trực tiếp tại các điểm bán của họ, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và nhận vàng giao ngay. Người mua sẽ được cung cấp hóa đơn điện tử.
Trường hợp khối lượng lớn, Vietcombank nói khách hàng cần khai báo các thông tin theo quy định về phòng chống rửa tiền hoặc mở tài khoản tại nhà băng này trước khi giao dịch.
Tại Agribank, lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết khách mua vàng cần lưu ý các thủ tục liên quan đến định danh của cá nhân và tuân thủ quy định giao dịch, thanh toán về hóa đơn và phòng chống rửa tiền.
Chia sẻ với VnExpress trước đó, đại diện một nhà băng quốc doanh cho hay họ dự kiến bán ra thị trường theo mức giá nằm trong biên độ được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Các nhà băng quốc doanh khẳng định việc bán vàng nhằm thực hiện mục tiêu “bình ổn” thị trường theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Phương thức bán vàng bình ổn được cơ quan quản lý đưa ra sau các phiên đấu thầu nhằm tăng cung không hiệu quả, chênh lệch giá trong nước và thế giới chưa được thu hẹp như kỳ vọng. Theo đó, tuần tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 nhà băng có vốn Nhà nước, để họ phân phối ra cho người dân.
Sau thông tin 4 ngân hàng quốc doanh sẽ bán vàng miếng ra thị trường từ 3/6, giá mặt hàng này quay đầu giảm, khiến chênh lệch với thế giới thu hẹp về còn 15,6 triệu đồng một lượng. Trưa nay, giá vàng miếng SJC về vùng 84 – 87,5 triệu đồng một lượng.