Tôi uất ức vì chồng mua đồ giảm giá, gần hết hạn để thắp hương mẹ vợ
Hàng năm, chồng đều đặn tự tay chuẩn bị hoa quả, đồ lễ về giỗ mẹ tôi. Người ngoài ai cũng tưởng anh chu đáo, nhưng chỉ có tôi mới hiểu thực ra…
Tôi và chồng quen nhau từ thời đại học, yêu gần chục năm trước khi tiến tới hôn nhân. Anh xuất thân là con nhà nông ở tỉnh lẻ, gia cảnh không mấy khá giả nên chi tiêu tiết kiệm.
Tôi không hề thấy chán ghét hay coi thường chồng. Ngược lại, tôi ấn tượng bởi cách anh chi tiêu tiết kiệm, bỏ qua những buổi đi chơi, tập trung đi làm thêm vì thương bố mẹ cực khổ. Càng tiếp xúc với anh, tôi càng cảm nhận được sự ấm áp, tốt bụng.
Khi chúng tôi yêu nhau, không dư dả tài chính nhưng vào dịp sinh nhật hay ngày lễ, anh vẫn chu đáo chuẩn bị quà cho tôi. Những món quà không đắt tiền nhưng chứa đựng tình cảm, sự chân thành của anh khiến tôi xúc động. Anh bảo với tôi rằng, sau này anh sẽ cố gắng đi làm kiếm nhiều tiền để cho tôi có cuộc sống tốt hơn.
Tôi cảm thấy an toàn và vui vẻ khi ở bên anh (Ảnh minh họa: iStock).
Chúng tôi tốt nghiệp đại học, chính thức đi làm. Anh là người có năng lực nên nhanh chóng được một công ty đa quốc gia nhận vào làm với mức lương cao. Còn tôi về làm cho công ty của gia đình.
Đi làm 5-6 năm, để dành được một khoản tiền, chúng tôi tính đến chuyện kết hôn. Sự chênh lệch về gia cảnh khiến hai bên gia đình khó thống nhất được cách thức, quy mô tổ chức. Chồng muốn tổ chức lễ cưới bình thường, đơn giản, còn bố tôi lại muốn làm thật sang trọng.
Tôi hiểu chồng muốn tổ chức lễ cưới đơn giản để tiết kiệm chi phí, phù hợp với tài chính của anh. Dù muốn tổ chức sang trọng vì có một lần trong đời, tôi cũng gạt đi suy nghĩ ấy, thuyết phục bố làm lễ cưới tinh giản, ấm áp. Bởi tôi biết, bố mẹ chồng làm nông, tiền tổ chức đám cưới hoàn toàn là tiền của chồng và anh không muốn nhận sự giúp đỡ từ gia đình tôi.
Lấy nhau về, tôi cũng góp ý cho anh thay đổi dần khi đã có điều kiện kinh tế tốt hơn. Bởi đôi khi đồ rẻ anh mua không dùng được hoặc dùng nhanh hỏng. Nếu mua đồ tốt sẽ dùng được lâu dài, tính ra còn rẻ hơn.
Năm đầu, gần đến ngày giỗ của mẹ tôi, anh nhắc tôi và cùng chuẩn bị đồ lễ. Thấy tôi mua nhiều loại bánh kẹo, hoa quả đắt tiền, chồng có góp ý mua loại bình thường là được. Tôi biết tính anh tiết kiệm nên nhẹ nhàng chia sẻ rằng, cả năm có một ngày giỗ nên tôi muốn chuẩn bị cho tươm tất.
Từ năm sau, anh luôn chủ động chuẩn bị đồ lễ mang sang nhà ngoại. Ban đầu, tôi nghĩ anh có lòng, muốn thể hiện sự quan tâm của mình. Nhưng khi nhìn đồ anh mua, tôi ngầm hiểu rằng, anh muốn tự chuẩn bị cho tiết kiệm.
Tôi không trách mà thông cảm, nghĩ tính anh trước nay vẫn như vậy. Tôi lén chuẩn bị thêm hoa quả, bánh trái gửi sang để bố bày biện, thắp hương cho mẹ. Mọi chuyện êm đềm trôi qua cho đến gần ngày giỗ của mẹ tôi năm nay.
Chị bán hàng tôi quen đã nhầm lẫn, không giao hàng về nhà bố mà lại giao về nhà của vợ chồng tôi. Đúng lúc giao đến, chồng tôi đang ở nhà nhận hàng. Biết được tôi lén đặt thêm đồ thắp hương mẹ, anh lập tức gọi điện chất vấn tôi.
“Tại sao em phải lén lút chuẩn bị thêm đồ? Anh đã mua rất nhiều đồ phù hợp. Em có mua thật nhiều đồ đắt tiền mang qua cho bố thắp hương thì xong cũng không ai ăn. Đồ lễ chỉ cần hình thức là được, không cần phí phạm tiền vào đó. Tiền nhiều, em mang về biếu bố mẹ ở quê tốt hơn”, chồng tôi nói.
Nghe những lời nói của chồng, tôi cảm thấy tủi thân và tức giận. Nhưng điều khiến tôi sửng sốt và tức giận hơn là anh đã mang chỗ đồ tôi đặt tặng cho nhà nội rồi đi mua thêm bánh gần hết hạn và hoa quả được giảm giá mang sang nhà ngoại.
Chưa bao giờ tôi nghĩ chồng dám cư xử như thế. Có thể anh tiết kiệm, muốn dằn mặt tôi, nhưng anh có nghĩ làm như vậy là coi thường gia đình nhà ngoại hay không?