Ban đầu, tôi có chút khó chịu. Bà là mẹ chồng, sao còn tính toán với con cái? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi đồng ý, vì ít nhất bà vẫn là người nhà…
Mẹ chồng tôi nổi tiếng là người kỹ tính, luôn nhắc nhở tôi phải biết quán xuyến việc nhà, chi tiêu tiết kiệm. Mỗi lần tôi về quê, bà đều cẩn thận dạy bảo con dâu đủ thứ, từ cách nấu ăn đến cách sống sao cho phải đạo.
Khi tôi mang thai, bà rất vui mừng, thường xuyên gửi đồ ăn sạch như gà, vịt, ngan từ quê lên. Tuy nhiên, mỗi lần chồng tôi ngỏ ý nhờ mẹ lên chăm sóc con dâu những tháng cuối, bà đều từ chối, viện lý do bận ruộng vườn. Tôi không trách bà vì hiểu rằng bà ở quê cũng nhiều việc.
Đến ngày tôi sinh, nghĩ mẹ chồng không thể lên giúp, tôi đã dự tính thuê người chăm sóc với giá 10 triệu đồng mỗi tháng. Thật bất ngờ, khi nghe điều đó, mẹ chồng tôi lên tiếng:
“Nếu đã phải chi tiền, để mẹ sắp xếp việc nhà rồi lên chăm cháu. Người ngoài mẹ không yên tâm đâu.”
Khi mẹ chồng lên tiếng yêu cầu vợ chồng tôi trả bà công chăm cháu 10 triệu/tháng, tôi ngỡ ngàng vô cùng. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng tôi mừng rỡ, nhưng niềm vui ấy nhanh chóng xen lẫn sự ngỡ ngàng khi bà thẳng thắn:
“Các con thuê người ngoài 10 triệu, thì đưa mẹ cũng chừng ấy.”
Ban đầu, tôi có chút khó chịu. Bà là mẹ chồng, sao còn tính toán với con cái? Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi đồng ý, vì ít nhất bà vẫn là người nhà. Hơn nữa nếu bà chăm mình tốt thì khoản tiền đưa bà cũng là xứng đáng.
Phải thừa nhận, mẹ chồng chăm sóc con cháu rất chu đáo. Bà kiêng cữ cho tôi từng chút một, không để tôi phải động tay vào bất cứ việc gì. Đêm đến, bà bế cháu, chỉ khi cháu khóc đòi bú mới gọi tôi dậy. Cơm nước bà nấu mang tận phòng, mọi thứ đều sạch sẽ và bổ dưỡng.
Nhưng bà cũng rất cứng nhắc, bắt tôi ăn toàn món với nghệ: thịt rang nghệ, gà kho nghệ, thậm chí móng giò hầm cũng đầy nghệ. Tôi vốn không ưa mùi nghệ, bà nghiêm giọng:
“Gái đẻ ăn nghệ tốt cho sức khỏe, vừa đẹp da, vừa lợi sữa. Không thích cũng phải cố ăn!”
Ngay cả chuyện vợ chồng, bà cũng quản chặt. Khi hết 3 tháng cữ, chồng tôi hí hửng sang ngủ chung thì bị bà đuổi về phòng.
“Kiêng đủ 6 tháng mới tốt. Nhất là con lại đẻ mổ mà vội vàng sẽ dễ bị hậu sản, khổ cả đời.”
Vợ chồng tôi đành bất lực làm theo, vừa buồn cười, vừa hậm hực sự nghiêm khắc của bà.
Sau 4 tháng ở cùng, mẹ chồng tôi thu xếp về quê. Trước khi đi, bà gọi tôi lại, đưa cho một chiếc túi nhỏ bà tự khâu. Bên trong là một cây vàng. Bà nhẹ nhàng nói:
“Mẹ gom 4 tháng tiền các con trả, cộng thêm tiền riêng của mẹ, mua cây vàng này. Mẹ cho con để làm vốn riêng. Mẹ yêu cầu tiền công không phải vì muốn lấy tiền của các con, mà là để hai đứa tiết kiệm. Mẹ thấy hai con chi tiêu hơi phóng tay, nên làm vậy để giúp các con biết quý trọng đồng tiền.”
Nhìn cây vàng mẹ chồng cho, hiểu hết tấm lòng bà, tôi áy náy và hổ thẹn vô cùng. (Ảnh minh họa)
Tôi sững sờ, cảm giác áy náy trào lên. Từ đầu, tôi nghĩ bà thực dụng, nhưng hóa ra tất cả chỉ vì muốn tốt cho vợ chồng tôi.
Tôi đã hiểu rằng, đôi khi sự yêu thương không nhất thiết phải dịu dàng hay dễ chịu. Tình cảm của mẹ chồng được thể hiện qua sự tận tụy, nghiêm khắc và cả những cách làm có phần khó hiểu.
Chiếc túi nhỏ ấy không chỉ chứa cây vàng, mà còn là bài học quý giá về cách sống tiết kiệm, vun vén gia đình và trân trọng công sức người khác. Tôi biết ơn mẹ chồng không chỉ vì sự chăm sóc, mà còn vì những điều bà dạy mà mãi sau này tôi mới nhận ra.