Bật khóc những ngày cuối đời nghị lực của ‘bạn diễn Xuân Bắc’: Vừa xạ trị xong vẫn nén đau, đội tóc giả hớt hải chạy đến nhà hát để được biểu diễn cùng đồng nghiệp

Yêu sân khấu cháy bỏng, những lúc xạ trị xong, từ bệnh viện NSƯT Bùi Phương Nga đội tóc giả đến thẳng nhà hát, lại khóc cười với nhân vật.

Những ai yêu mến kịch nói, đặc biệt là các vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam hẳn không xa lạ với cái tên Phương Nga, bởi sự xuất hiện của chị ở vai trò diễn viên hay trợ lý đôi khi “cứu” ê-kíp bàn thua trông thấy, với những vở diễn chưa thực sự được làm “hết tầm”.

Thương chồng vì mình “vô danh”

NSƯT Bùi Phương Nga sinh năm 1977, từng học khoa Diễn viên sân khấu và điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Quá trình công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, chị tiếp tục học đạo diễn.

Thời mạng xã hội và công nghệ thông tin chưa phát triển, Phương Nga cùng bạn học của mình – NSND Xuân Bắc diễn hài khắp các tỉnh thành.

phuongnga2.jpg

NSƯT Phương Nga bên bạn thân – NSND Xuân Bắc.
Nhiều show quá, cả hai chạy từ tỉnh này sang tỉnh khác, không có trợ lý, lắm khi đơn vị tổ chức điện thoại giục, họ chỉ biết lái xe thật nhanh tới điểm diễn. Đến nơi, lao lên sân khấu diễn hăng say, kết thúc cả hai ngồi xuống chẳng ai bảo ai, đều thốt lên “mình còn sống à?”.

Diễn hài với Xuân Bắc, Phương Nga toàn vào vai người vợ đỏng đảnh, khó ưa, có lúc còn nghiện ma tuý. Khán giả đôi khi nhầm tưởng Phương Nga là vợ Xuân Bắc.

Nhớ nhất hình ảnh Phương Nga với vai diễn con nghiện trên sân khấu Gala cười 2003. Chị vào vai người yêu của Xuân Bắc. Điệu cười “hềnh hệch” của nhân vật đã làm nên thương hiệu của NSƯT Phương Nga – Nga Cong.

269936464_4390478251060981_4144099845397927479_n.jpegNSƯT Phương Nga luôn cười rạng rỡ dù có thời điểm mắc bạo bệnh.
Phương Nga là người yêu sân khấu cháy bỏng. Dù từng tham gia vài phim như Cuốn sổ ghi đời, Ngã ba thời gian, Nguyên quán, Bảy ngày làm vợ, Giai điệu phố… xong sân khấu mới là thánh đường để chị thoả sức tung tẩy. Ở đó, với mỗi nhân vật, qua từng đêm diễn, chị rèn luyện cho mình thêm nhiều kỹ năng khác nhau và hơn hết được “chạm” cảm xúc cùng khán giả.

Gần 30 năm gắn bó với sân khấu kịch, coi nó là “năng lượng để tồn tại” song cũng có thời điểm Phương Nga muốn dừng lại bởi “hình như không có duyên với nghề”.

Từng bỏ diễn, NSƯT Bùi Phương Nga nộp hồ sơ xin làm việc tại một công ty. Khi được tuyển dụng, trước ngày đi làm, cả đêm Phương Nga không ngủ. Cứ nghĩ tới cảnh không được đứng trên sân khấu, khóc cười với vô số phận đời là nước mắt chị trào ra. NSƯT Bùi Phương Nga quyết định xé hồ sơ rồi nhất tâm gắn cuộc đời mình với sân khấu dù có khó khăn vất vả tới nhường nào.

Chạnh lòng vì bản thân “vô danh” thì ít, chị thương chồng nhiều hơn. Bởi lúc ra đường khán giả chỉ trỏ, nhìn chị quen quen, nghĩ bán hàng ở đâu hay làm ngân hàng… chứ không nhận ra đó là diễn viên. Chị buồn nhất là khi chồng kể về mình, nhiều người lắc đầu không biết. Lúc đó, Phương Nga bảo “thương chồng lắm”.

Phương Nga không nổi tiếng với khán giả truyền hình nhưng người yêu sân khấu, nếu từng xem Nàng Mê-Đê giết con, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Điều còn lại… mới thấy tài năng diễn xuất của chị. Vào vai bi ngọt tới nỗi chị khóc trên sân khấu, khán giả ở dưới cũng sụt sùi theo hoặc lúc diễn nhân vật cá tính, người xem chỉ muốn lao lên sân khấu đấm.

phuongnga1.jpgNSƯT Phương Nga và NSND Tạ Tuấn Minh trên sân khấu tập vở “Bóng rối”.
Bình thản đón nhận cái chết

Phương Nga luôn tự hào vì ít nghệ sĩ nào được gia đình ủng hộ như mình. Thậm chí, nhiều đồng nghiệp tại nhà hát còn “ghen tị” khi mỗi lần chị diễn, bố mẹ cùng chồng và các con đều có mặt cổ vũ. Với NSƯT Bùi Phương Nga, làm nghệ sĩ, cứ được diễn trên sân khấu là vui, còn nổi tiếng hay không lại ở duyên và may mắn của mỗi người.

Vì thế, Phương Nga làm nghề một cách nhẹ nhàng, sống một cuộc đời không bon chen. Khi biết tin mình bị ung thư, chị đón nhận bình thản, sống chung với bệnh trọng bằng nghị lực rất lớn và đầy lạc quan.

Hơn 3 năm qua, Phương Nga vẫn đến nhà hát, tham gia vào nhiều vở kịch với vai trò diễn viên lẫn trợ lý đạo diễn.

Có lần vừa xạ trị tại bệnh viện, chị tới thẳng nhà hát để vào vai bà Muộn – người mẹ vĩ đại của những đứa con gặp nhiều đau khổ giằng xé bởi chiến tranh và hậu chiến trong vở Điều còn lại (đạo diễn, NSƯT Kiều Minh Hiếu) – với một mái tóc giả.

Đồng nghiệp vô cùng cảm phục tình yêu nghệ thuật của Phương Nga – người luôn làm bừng sáng các buổi tập bởi niềm đam mê, tài năng, tính hài hước, nụ cười toả nắng. Chị như con tằm rút ruột nhả tơ, và luôn tâm niệm nếu có ra đi, sân khấu sẽ là nơi đón mình về.

Bóng rối là vở diễn cuối cùng chị tham gia với vai trò trợ lý đạo diễn cho NSND Tạ Tuấn Minh. Xuất hiện trên sân khấu hướng dẫn diễn viên, chị phải đội tóc giả.

Nói như Vũ Hoàng Hoa – tác giả kịch bản Bóng rối: “Phương Nga yêu sân khấu cháy bỏng. Nhiều hôm nhìn cô ấy hát, múa, tập cùng các bạn, tôi tự nhủ nhất định phải viết một cái gì cho Nga đóng vai chính, có khi một mình cô ấy đóng luôn tất cả các vai trong một vở”.

“Ông Trời thật bất công. Em còn trẻ quá, đẹp quá Nga ơi!”, nhà biên kịch Lê Chí Trung thốt lên, khi biết tin NSƯT Bùi Phương Nga mới qua đời ở tuổi 47.