Ngồi trên sofa trong phòng khách, tay cầm một tách trà nóng, nhưng trong lòng tôi lại nặng trĩu như bị mây đen bao phủ. Chồng tôi cho em trai anh ấy vay 800 triệu và đã 6 năm trôi qua, chú ấy vẫn chưa trả lại một đồng nào. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở chồng, nhưng anh trả lời hời hợt:
– Đợi khi nào em ấy có điều kiện, tự khắc sẽ trả thôi, giục làm gì.
Tôi cảm thấy đó chỉ là lời hứa suông, vì chú chưa bao giờ đả động tới khoản nợ này.
Cuối cùng, tôi quyết định phải nói thẳng, yêu cầu chú trả lại tiền. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi lại nói:
– Chúng ta là một gia đình, sao phải tính toán chuyện tiền bạc?
Tôi cảm thấy bất ngờ và trong lòng dâng trào nhiều cảm xúc. Lời nói của mẹ chồng như một áp lực vô hình, khiến tôi cảm thấy mình là người ngoài cuộc, không có quyền can thiệp vào chuyện gia đình họ.
Chồng tôi cũng khuyên:
– Thôi, chuyện tiền bạc để sau hãy nói. Em cứ nhắc mãi, tính toán làm gì mà làm mất hòa khí gia đình.
Lúc đó tôi nhận ra rằng, trong gia đình này, tôi mãi mãi chỉ là một người ngoài.
Nghe những lời chồng và mẹ chồng nói, tôi nhận ra mình chỉ là người ngoài. (Ảnh minh họa)
Tôi im lặng, trở về phòng riêng, ngồi trước gương và nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình. Đôi mắt tôi tràn đầy mệt mỏi và bất lực.
Tôi chợt nhớ đến những hy sinh của bố mẹ mình. Họ đã vất vả nuôi tôi ăn học và mua nhà cho vợ chồng tôi, mà chưa bao giờ yêu cầu tôi điều gì. Ngay cả khi chồng tôi muốn đón mẹ anh tới ở cùng, bố mẹ tôi cũng không ngăn cấm. Thế nhưng, trong chính ngôi nhà này, tôi lại cảm thấy bị tổn thương, ngay cả quyền lợi của bản thân cũng không được bảo vệ.
Sau khi suy nghĩ kỹ, tôi lập tức rút sổ tiết kiệm và chuyển cho bố mẹ mình 1 tỷ để họ sửa lại nhà như mong muốn. Tôi nói với bố mẹ:
– Bố mẹ ơi, con cảm ơn vì những gì bố mẹ đã làm cho con. Bố mẹ muốn sửa nhà lâu rồi mà mãi chưa thực hiện được, bố mẹ hãy cầm lấy số tiền này để sửa nhà đi.
Bố mẹ tôi xúc động đến rơi nước mắt, liên tục nói:
– Bố mẹ không thiếu tiền, con hãy giữ lại cho mình đi. Sau này con còn nhiều khoản phải tiêu, còn bố mẹ đã gần đất xa trời rồi, sửa nhà làm gì nữa.
Nhưng tôi kiên quyết:
– Đây là điều con nên làm mà, bố mẹ hãy cứ nhận lấy cho con vui lòng.
Tôi đã rút 1 tỷ đưa cho bố mẹ đẻ để họ sửa nhà. (Ảnh minh họa)
Sau đó, tôi cũng đã nói với chồng và mẹ chồng rằng tôi đã đưa cho bố mẹ mình 1 tỷ, nên từ nay tôi sẽ không bận tâm đến số tiền 800 triệu mà em trai chồng vay nữa. Đó là điều tôi nên làm, vì chúng tôi là người một nhà. Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh:
– Từ nay, đừng cho em trai mượn tiền nữa, chúng ta cũng cần phải lo cho cuộc sống của mình.
Chồng và mẹ chồng tôi ngạc nhiên trước sự quyết đoán của tôi. Họ bức xúc lắm khi tôi biếu tiền cho bố mẹ đẻ, nhưng không dám phản bác gì. Còn tôi hiểu rằng, chỉ có như vậy, tôi mới có thể bảo vệ quyền lợi của mình và làm cho gia đình tốt đẹp hơn.
Sự việc này đã dạy tôi rằng, trong hôn nhân, chúng ta không chỉ cần yêu thương mà còn phải biết bảo vệ bản thân. Không thể chỉ biết nhường nhịn, nếu không sẽ chỉ khiến người khác lấn tới và bản thân rơi vào khó khăn. Chúng ta cần có nguyên tắc và giới hạn riêng, để người khác biết rằng mình không dễ bị bắt nạt.
Tôi cũng muốn gửi gắm đến tất cả những người phụ nữ đang chịu đựng trong hôn nhân: Đừng sợ hãi khi đòi hỏi quyền lợi của mình, đừng vì cái gọi là “hòa thuận gia đình” mà chấp nhận thiệt thòi. Hãy tin rằng, chỉ khi bản thân bạn hạnh phúc, gia đình mới thực sự hạnh phúc. Hãy mạnh dạn đứng lên, lên tiếng vì chính mình và nỗ lực cho hạnh phúc của bản thân!