10 năm trước mẹ cũng góp 1 triệu. Trong khi lương mẹ tăng đều mỗi năm, giá cả ngày càng cao, mà bà vẫn giữ nguyên số tiền như vậy.
Chị em tôi lấy chồng xa, ai cũng có gia đình riêng, nhưng may mắn thay, vợ chồng anh trai sống gần mẹ nên có thể chăm lo cho bà lúc tuổi già. Nhờ vậy mà chúng tôi yên tâm làm việc hơn, không phải lo lắng quá nhiều.
Mẹ tôi mỗi tháng nhận lương hưu 11 triệu đồng – một con số không nhỏ so với vùng quê, nơi mà hầu hết mọi người sống nhờ làm nông hoặc làm công nhân với thu nhập eo hẹp. Vì mẹ có lương hưu khá, chị em tôi cũng không phải gửi tiền biếu. Mẹ thậm chí còn từ chối nhận, chỉ thi thoảng mới chịu nhận chút quà hoặc đồ bổ khi chúng tôi gửi về. Mỗi lần, mẹ đều nhẹ nhàng bảo:
– Các con lấy chồng xa, mẹ chỉ mong các con sống hạnh phúc, yên ổn là mẹ mừng rồi. Tiền lương của mẹ đủ ăn tiêu, các con không phải lo cho mẹ đâu.
Nghe mẹ nói thế, ai cũng yên tâm. Nhưng mọi thứ thay đổi khi tuần trước tôi về thăm mẹ, phát hiện ra một sự thật khiến tôi không biết nên khóc hay cười.
Hôm đó, tôi về đúng bữa cơm. Trên bàn chỉ có một bát thịt kho, mà gọi là thịt kho nhưng thật ra toàn cùi dừa kho với mỡ lợn, kèm theo một đĩa rau luộc. Cả nhà anh trai có 4 người cả lớn cả nhỏ mà chỉ ăn từng đó.
Tôi ở lại vài ngày, tự mình đi chợ mua thức ăn ngon cho cả nhà. Hai đứa cháu anh trai ăn một cách ngấu nghiến như thể đã lâu lắm rồi chúng mới được ăn no bụng. Một hôm, đứa cháu nhỏ vừa ăn vừa nói:
– Cô về chơi con được ăn ngon hơn mọi khi. Năm sau cô lại về chơi nữa nha!
Lời nói ngây thơ của đứa trẻ khiến tôi giật mình. Tôi hỏi chuyện ăn uống thường ngày, và cháu tôi hồn nhiên kể:
– Thỉnh thoảng mẹ mới mua đồ ngon, mà mua thì cũng phải nhường hết cho bà thôi.
Nghe vậy, tôi quay sang chị dâu. Chị vội giải thích:
– Vợ chồng chị mỗi tháng thu nhập chưa tới 10 triệu, mà phải lo đủ thứ: tiền điện nước, học hành cho bọn nhỏ, còn cả tiền đám ma đám hỏi, thuốc men… Chị cố gắng lắm cũng chỉ đủ, mà nhiều tháng còn phải vay mẹ mới bù được.
Nghe chị nói, tôi bảo thẳng:
– Mỗi tháng mẹ góp tiền ăn với anh chị, nhưng góp thì phải cho anh chị ăn uống tử tế. Chứ mẹ cứ tiết kiệm thế này, rồi nhỡ ốm đau thì lấy đâu sức mà đỡ?
Chị dâu không nói gì, chỉ im lặng cúi đầu. Tôi đi sang phòng mẹ hỏi:
– Mỗi tháng mẹ góp cho anh chị bao nhiêu tiền ăn thế ạ?
Mẹ điềm nhiên đáp:
– Mẹ góp 1 triệu mỗi tháng.
Tôi nghe mà không tin nổi. 10 năm trước mẹ cũng góp 1 triệu. Trong khi lương mẹ tăng đều mỗi năm, giá cả ngày càng cao, mà bà vẫn giữ nguyên số tiền như vậy. Tôi không kiềm được nữa, bực bội bảo:
– Mẹ ơi, 1 triệu giờ chỉ đi chợ hai lần là hết sạch! Từ tháng sau, mẹ góp 4-5 triệu đi, để anh chị dễ thở hơn chút ạ.
Mẹ tôi giật mình, lập tức từ chối:
– Mẹ già rồi, ăn chẳng bao nhiêu. Góp nhiều vậy ăn không hết thì phí ra.
Tôi cố nén giận, nhẹ nhàng giải thích:
– Mẹ ơi, bây giờ mẹ già yếu, cả ngày chỉ ngồi chơi, ăn uống mà không tự lo được. Nếu không có anh chị chăm thì mẹ phải bỏ nửa tháng lương để thuê người giúp rồi. Mẹ may mắn lắm đấy ạ vì về già có con cháu bên cạnh.
Mẹ không tự lo được thì phải biết bỏ tiền ra trả công cho anh chị chứ. Cả nhà cùng góp tiền, ăn uống tử tế thì mẹ khỏe mạnh, anh chị cũng vui vẻ. Mẹ để dành làm gì nhiều tiền như thế, rồi khi mất có mang theo được đâu?”
Nói mãi, mẹ vẫn bảo thủ:
– Mẹ thấy góp 1 triệu là đủ rồi, mẹ ăn ít mà.
Tôi nhìn mẹ mà chán nản. Vợ chồng anh trai phải gánh quá nhiều áp lực, giờ còn thêm gánh nặng lo cho mẹ. Thương anh chị, nhưng tôi không biết làm sao để mẹ thay đổi. Vẫn biết mẹ sống tiết kiệm là tốt, nhưng hà tiện đến mức này thì thật không đành lòng.