Theo Thông tư số 11/2024/TT – BGTVT, từ 15/6/2024, các xe ô tô được miễn kiểm định lần đầu phải chi trả phí dịch vụ lập hồ sơ cho trung tâm đăng kiểm, với mức 46.000 đồng/xe.
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 11/2024/TT – BGTVT ngày 26/4/2024 quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định đối với xe cơ giới, có hiệu lực thi hành từ 15/6/2024.
Theo đó, xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô thuộc trường hợp miễn kiểm định lần đầu theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ GTVT khi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định lần đầu phải chi trả giá (gọi tắt là phí) dịch vụ lập hồ sơ kiểm định cho đơn vị đăng kiểm.
Mức giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu là 46.000 đồng/xe; còn mức giá dịch vụ in lại giấy chứng nhận và tem kiểm định là 23.000 đồng/lần/xe. Giá dịch vụ trên nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng quy định, đơn vị đăng kiểm sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định và có nghĩa vụ công khai thông tin và niêm yết giá dịch vụ theo quy định pháp luật về giá, thực hiện chính sách thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật thuế, quản lý thuế hiện hành.
Trước đó, ngày 22/3/2023, Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chính thức có hiệu lực thi hành. Thông tư mới sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trên 18 điều và 19 phụ lục so với Thông tư cũ; trong đó có 2 nội dung đáng chú ý là miễn đăng kiểm lần đầu với xe ô tô mới và kéo dài chu kì kiểm định đối với một số loại phương tiện cơ giới đường bộ.
Thông tư mới quy định miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ; được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Đồng thời, điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới (Phụ lục 05 của Thông tư) như: Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải thì chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; Thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 6 tháng. Với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ: Chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; Thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; Thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng;
Đối với nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng
Tuy nhiên, xe được miễn kiểm định lần đầu nhưng vẫn phải lập hồ sơ kiểm định để quản lý phương tiện, nhưng đơn vị đăng kiểm không được thu tiền của chủ phương tiện để bù đắp các chi phí in ấn, lập, quản lý hồ sơ… dẫn đến khó khăn cho đơn vị đăng kiểm.
Trước thực tế này, trong năm 2023, Cục Đăng kiểm VN đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ kiểm định đối với xe được miễn kiểm định lần đầu, với mức 50.000 đồng/xe để bù đắp chi phí thực tế cho các đơn vị đăng kiểm.