Ông bà nội tôi có 6 người con, riêng chỉ có cô Tư là ở vậy, không chịu lập gia đình. Ai cũng cho là cô quá khó tính nên mang tiếng ế, chứ không phải vì cô kém sắc. Ở tuổi năm mươi, cô vẫn đằm thắm, dễ nhìn, vẫn còn nhiều người theo đuổi. Nhưng cô bảo, hồi trẻ không lấy chồng thì thôi, già rồi mắc chi phải làm “vợ sau” người ta cho khổ.
Cô nuôi các cháu gái, xem chúng như con, quản rất chặt. Hình mình họa.
Nhiều năm làm lụng, ông bà nội tích cóp mua được cái nhà nhỏ ở ngoại thành, để đứa cháu nào muốn vào Sài Gòn lập nghiệp thì có chỗ tá túc. Cô Tư xung phong về làm… quản gia. Cô bảo, đám trẻ choai choai, mới lớn, xa nhà, xa cha mẹ rất dễ mất phương hướng, nên cô phải canh chừng. Các cô chú tôi, không ai nói ra, thấy cô Tư xung phong vào quản lý đám cháu thì mừng lắm.
Cô thay cha thay mẹ chăm sóc trông coi các cháu, còn gì quý bằng! Các cháu của cô, tầm 23, 25 tuổi. Đứa vào Sài Gòn làm công nhân, đứa đang học đại học, đứa vừa tốt nghiệp ra trường, đứa thì đi làm đã hai năm. Với Sài Gòn, cô là người chân ướt chân ráo, chỉ giỏi đi chợ, chứ chưa rành đường sá. Cô nói, không cần biết nhiều đường làm gì, muốn đi đâu cứ bắt xe ôm là tới.
Sài Gòn mà lơ tơ mơ rất dễ sa ngã, bọn trẻ bây giờ hời hợt, đua đòi, thiếu kỹ năng sống nên càng dễ hỏng. Vì vậy, cô đề ra nguyên tắc: làm gì làm, mười giờ tối phải có mặt đầy đủ ở nhà, đứa nào về không kịp thì phải gọi báo, lý do rõ ràng, chính đáng. Nếu không chấp nhận điều kiện của cô thì đi chỗ khác ở. Đám cháu dĩ nhiên không thích ở chỗ khác, ở với cô Tư được chăm sóc từ đầu tới chân, sướng thấy mồ!
Mỗi ngày, cô đều cơm nước chu toàn, mà cô chỉ nấu toàn món quê, hợp khẩu vị. Quần áo lỡ không giặt kịp, nhờ một tiếng cô giúp ngay, nhưng phải có lý do nghe lọt tai mới được. Các cháu đi làm về có sẵn cơm nóng canh sốt, nhà cửa sạch sẽ. Đi chơi về có cô mở cổng, đợi chờ. Bù lại, các cháu cũng rất biết điều, thỉnh thoảng chở cô Tư dạo phố, đãi cô món này món kia.
Nhưng cô Tư thích nhất là các cháu lo đóng tiền cơm và các khoản lặt vặt đúng hẹn. Đứa đang học đại học, hằng tháng cha mẹ gửi tiền vào, liền trích ngay một khoản gửi cô Tư. Những đứa đi làm, lãnh lương ra cũng lo “đóng thuế” ngay, vì sợ chưa kịp gửi cô thì ví đã cạn. Đứa nào đóng trễ một ngày với lý do không chính đáng, cô phê bình ngay. Cô Tư muốn tập cho các cháu tinh thần trách nhiệm, sự minh bạch. Theo cô, làm tốt điều này thì ở đâu các cháu cũng được tôn trọng.
Ảnh minh họa
Thật ra, không phải cô là người khó tính, chỉ là với cô, mọi thứ phải rõ ràng, chẳng hạn không được trễ hẹn, không nói hai lời, phải có trách nhiệm với bản thân và người khác… Không phân biệt trai gái, cô đều chỉ dạy các cháu nấu ăn, làm việc nhà, nhờ thế mà các cháu của cô ngày càng trưởng thành. Nhưng, nói như Th. thì, hiểu được cô là… ăn hết của cô. Ví như cô có cái áo đẹp, được khen là cô hài lòng lắm, cô sẽ nghĩ “nó cũng… biết nhìn, hiểu được tâm trạng của một bà cô không chồng, cứ ngỡ nguyên tắc cứng nhắc, nhưng cũng có lúc yếu mềm, điệu đà”. Th. bảo, chỉ tại cô Tư không muốn lấy chồng, chứ một người phụ nữ như cô, vừa dễ nhìn, lại khéo léo, ế là ế làm sao?
Khi các cháu lấy vợ lấy chồng, ra riêng, ông bà nội quyết định bán nhà. Mua nhà bảy năm, ông bà lời được… một khúc tiền dưỡng già. Cô Tư trở về quê nuôi cha mẹ, khi đã gần sáu mươi. Những đứa cháu sau này trưởng thành, đều nhắc công cô Tư. Đứa nào cũng đăng ký chăm cô tuổi già, để trả ơn dưỡng dục. Kể ra, sống không chồng con như cô Tư, chưa hẳn đã khổ, mà có chồng con, chưa hẳn đã sướng.