Tôi gửi món quà nhỏ cho bố mẹ chồng cầm đến mừng em chồng mua xe ô tô. Tối đó, em chồng đã gọi điện, xin lỗi không ngừng.
Tôi và Linh, em chồng không hợp tính nhau. Tính Linh thích chưng diện, ăn mặc luôn là đồ hiệu, phụ kiện, trang sức, giày dép nhiều vô số kể. Em ấy có tới 3 tủ quần áo và 2 tủ giày nhưng vẫn chật kín đồ đạc. Trong khi đó, mức lương hàng tháng của em chồng chỉ hơn 10 triệu đồng, để có tiền tiêu xài, em toàn xin tiền chồng tôi.
Sau đó, em chồng kết hôn với con trai chủ tiệm vàng trong huyện. Gia đình tôi cứ tưởng lấy được chồng giàu thì Linh sẽ được thoải mái tiêu xài mà không cần lo lắng về tiền nong. Không ai ngờ, nhà chồng Linh tuy giàu có nhưng họ rất tính toán và dè sẻn từng đồng một. Theo như lời em chồng kể thì mẹ chồng là người quản lí toàn bộ việc chi tiêu trong nhà. Dù đã cưới vợ nhưng em rể vẫn phải giao nộp đủ tiền lương cho mẹ. Ngay cả tiền lương của Linh cũng phải đưa cho mẹ chồng với lý do “tiền cần quy về một mối, tránh bị thất thoát ra ngoài”. Mỗi sáng, bà phát lại cho vợ chồng em 200 nghìn, đưa cho bác giúp việc 200 nghìn để lo cơm nước, chợ búa. Bà có một quyển sổ để ghi chép cụ thể mọi khoản chi tiêu chứ không phải thích gì mua đó.
Sau đám cưới, Linh thường về nhà khóc kể, xin xỏ tiền bạc của chồng tôi để mua sắm. Tôi bực tức bảo chồng nên tiết chế việc cho tiền em gái, đừng để em ấy về nhà ngoại bòn rút tiền đem về nhà chồng. Trong khi nhà chồng rất giàu có chứ không phải dạng nghèo hèn gì. Chồng tôi nghe lời, liền cắt hết các khoản tiền cho em gái. Linh gọi điện nài nỉ, xin xỏ, anh cũng không động lòng nữa.
2 tháng trước, em chồng tìm gặp tôi, hỏi vay tôi 300 triệu để làm ăn. Linh kể chuyện vợ chồng em đang tập khởi nghiệp nhưng vốn liếng không đủ. Tôi bảo em vay mẹ chồng thì Linh hừ một cái dài, rồi bảo mẹ chồng tính toán, chẳng thể xin nổi một xu của bà. Nghĩ em chồng mượn tiền để gây dựng sự nghiệp nên tôi cũng cho em mượn.
Ảnh minh họa
Thế mà trong một tháng sau đó, tôi nghe bố mẹ nói Linh mời ông bà đến nhà chồng để ăn tiệc mừng Linh mua xe ô tô. Tôi bất ngờ lắm, chính em chồng than thở không có tiền làm ăn, tại sao bây giờ lại có tiền mua xe. Mẹ chồng tôi thở dài, nói con gái dại khờ quá, vay mượn nhiều người, gom góp được 700 triệu mua xe ô tô cho chồng lái để nở mày nở mặt với thiên hạ. Mà chiếc xe lại đứng tên chồng chứ không phải tên Linh.
Tôi nghe mà bực mình. Càng quá đáng hơn là em chồng không hề mời tôi đến dự tiệc. Đến ngày bố mẹ chồng đi, tôi liền gửi theo một món quà, dặn dò ông bà phải đưa tận tay cho em chồng.
Ngay tối đó, Linh gọi điện, rối rít xin tôi tha lỗi và hứa sẽ thu xếp tiền bạc để trả lại cho tôi ngay trong tháng sau. Chồng hỏi tôi gửi quà gì mà khiến em chồng sợ đến thế? Tôi bảo bên trong là giấy vay nợ có chữ ký của Linh, tôi đã photo ra làm mấy bản và gửi cho Linh một bản. Trong giấy có ghi rõ, Linh phải dùng tiền để đầu tư làm ăn, nếu không thì phải trả cho tôi gấp đôi số tiền đã mượn.
Thật ra lúc cho em chồng vay tiền, tôi đã đắn đo rồi. Một người chỉ biết tiêu xài như Linh thì làm sao biết khởi nghiệp đầu tư? Tôi hỏi khởi nghiệp mảng gì cũng không nói được. Tôi ghi câu đó với ý nhắc nhở nhưng Linh vẫn kí vào giấy vay nợ.
Chồng bảo tôi cứ cho em chồng thêm một thời gian nữa, dồn ép quá có khi em ấy vay nóng vay nguội thì càng chết dở. Nhưng tôi bực mình quá, vay tiền tôi mua xe ô tô mà lại không biết ơn, mời mọi người xung quanh lại không mời tôi. Tôi đòi tiền lại có phải là quá đáng không?