Kết hôn với người vợ kém 52 tuổi, bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng đang hưởng thụ cuộc sống yên ấm trong căn nhà ríu rít tiếng trẻ thơ.
Tròn 10 năm kể từ khi bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng kết hôn với chị Đinh Thị Thoan, mọi điều tiếng, lời bàn ra, tán vào chỉ còn là dĩ vãng. Kết tinh tình yêu của họ là hai bé Kim Phúc (9 tuổi) và Hữu Đức (6 tuổi) xinh xắn và thông minh.
Khoảnh khắc hạnh phúc của người đàn ông 90 tuổi có hai con nhỏ
Tổ ấm của họ nằm trên một quả đồi ở vùng núi Yên Sơn (Ba Vì, Hà Nội). Ngày thường, ông Trọng nghiên cứu cây thuốc, tiếp đón người bệnh. Cuối tuần, ông có thể hát hò, tiếp rượu bạn thơ cả ngày. Thỉnh thoảng ông chở vợ con đi các tỉnh chơi. Có những lúc, ông Trọng một mình phóng xe lên các vùng núi để tầm các cây thuốc hay… Đó là cuộc sống của một người đã ở tuổi 89.
“Tôi từng bị đạn găm vào chân, từng phẫu thuật dạ dày… Sức khỏe của tôi thực sự không còn tốt như tôi biểu hiện ra đâu, nhưng tôi luôn sống quên bệnh tật, tuổi tác, hận thù. Tôi luôn nghĩ mình mới 30 tuổi thôi”, người đàn ông với gương mặt hồng hào nói.
Trước khi nghỉ hưu, ông Trọng từng giữ chức Trưởng ban quản lý tuyên truyền khoa học kỹ thuật (thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước), nhiều năm làm thư ký cho giáo sư Tôn Thất Tùng và giáo sư Từ Giấy. Về hưu, ông chuyên tâm về nghiên cứu chữa bệnh từ cây thuốc nam.
Sự nghiệp, tài kinh doanh ở ông rực rỡ bao nhiêu thì cuộc sống riêng tư lại trắc trở bấy nhiêu. Ba cuộc hôn nhân của ông lần lượt đi vào ngõ cụt. Mối lương duyên “trời định” lần thứ tư xuất hiện vào cuối năm 2004 khi ông được mời về Đại học Thái Nguyên nói chuyện. Kiến thức uyên bác, con người hào hoa, phúc hậu ở ông đã để lại ấn tượng sâu đậm với cô sinh viên quê Phú Thọ, tên Thoan, ngay từ lần đầu gặp.
“Lúc thầy (ông Trọng) bắt tay ra về, tôi cảm nhận tay thầy rất mềm, rất ấm. Vốn không phải người năng nổ nhưng không hiểu sao hôm đó tôi mạnh bạo xin số của thầy”, người phụ nữ nay đã 37 tuổi, nhẹ cười, kể.
Ông Trọng thì nhớ, kết thúc buổi nói chuyện, đáng lý ông định tổng kết lại, nhưng nhìn thấy chị Thoan chăm chú lắng nghe, ông đã đi thẳng về phía chị và “tức cảnh sinh tình” nói: “Đứng trước sắc đẹp của nàng, thời gian sẽ đọng lại, tinh tú sẽ lu mờ, trái đất sẽ ngừng quay, mặt biển sẽ ngừng sóng và thần công lý sẽ tự bẻ gãy thanh gươm quỳ gối dưới chân em”.
Sau khi tốt nghiệp, chị Thoan xin ông theo học nghề thuốc. Nhờ cần mẫn và hết lòng vì trang trại thuốc, cô gái trẻ đã được ông Trọng tin tưởng giao cho quản lý toàn bộ trang trại sau một thời gian ngắn làm việc. Thi thoảng cuối tuần ông mới ghé thăm và đưa chị ra ngoài gặp bạn bè, ăn uống.
Tình cảm dành cho người đàn ông hơn tuổi cả cha mình cứ ngày một lớn trong chị Thoan. Một đợt lâu ông Trọng bận công chuyện không ghé thăm trang trại, nỗi nhớ cứ dày vò chị ngày đêm, cuối cùng chị quyết định sẽ “tỏ tình”.
Giọng sang sảng, ông Trọng kể: “Cô ấy gọi cho tôi bảo ‘Em đã thuộc hết thơ của thầy rồi. Hôm nào thầy xuống em có việc quan trọng muốn thưa’. Tôi nói ‘Tôi chỉ đọc, chứ có chép lại đâu mà em thuộc được’. Rồi cô ấy đáp: “Em nghe qua đã nhớ rồi’”.
Ngày hôm sau ông Trọng đến, bất ngờ nhưng hạnh phúc khi được tỏ tình. Ông bàn tính luôn với chị chuyện làm đám cưới. Dĩ nhiên mối tình “đũa lệch” của họ bị gia đình nhà gái kịch liệt phản đối.
“Tôi nài nỉ bố gặp mặt anh ấy. Sau nhiều lần, bố tôi đành chấp nhận có một buổi ra mắt”, chị Thoan kể.
Ngày dẫn về ra mắt, chị Thoan bị cả 13 anh chị, dâu rể trong nhà mắng. Ai cũng nói chị “Lấy về làm bố à”. Nhưng ngược lại, bố mẹ chị thấy được con người đôn hậu, tử tế của ông Trọng và cảm nhận được con gái yêu người đàn ông này chứ không vì lý do nào khác.
Lễ cưới của họ được tổ chức vào giữa năm 2007, thu hút rất nhiều người hiếu kỳ đến từ khắp nơi. Đôi vợ chồng đã mặc áo cưới, mở tiệc đón khách suốt 28 ngày.
Ông Trọng và vợ thường xuyên cho các con đi chơi.Vừa tiếp chuyện, ông Trọng vừa đón khách, ký giấy tờ cho nhân công. Với vợ hay với ai, ông cũng xưng “tôi – em”. Chị Thoan thì vẫn quen miệng gọi “thầy – em”, thi thoảng mới “anh – em” như những cặp vợ chồng khác.
Nhấp một ngụm trà được pha từ dòng nước khoáng tinh khiết và những cây thuốc trồng được, ông chia sẻ tiếp, ông xác định cưới vợ về là phải tạo dựng một gia đình thực sự, phải cho vợ cơ hội được làm mẹ. Sau hơn một năm cưới, họ sinh được một bé gái. Ba năm sau, họ lại chào đón đứa con thứ hai.
Kể về lần sinh đó, chị cười ngượng nghịu. Chị vào Bệnh viện Sơn Tây nhưng chuyển dạ 2 ngày vẫn chưa sinh. Chồng năng dìu chị đi dạo, ngày ba lần ra cổng viện mua đồ ăn, khiến người xung quanh ai cũng chú ý.
Đến lúc chị vào phòng mổ, trước khu mổ có rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, kể cả các y bác sĩ hiếu kỳ đứng xem. Chị sinh xong, bác sĩ đưa bé cho ông Trọng bế về phòng. Tiếp đó, lại yêu cầu ông bế vợ.
“Bác sĩ không bảo hộ lý bế tôi hay cho lên cáng lại bảo chồng tôi. Lúc đó tôi sợ lắm, vừa sinh xong vẫn khoảng 55 kg, nghĩ thầm sao anh ấy bế nổi. Anh ấy nhìn tôi giao ước tôi chỉ cần bám chắc thì sẽ bế được. Tôi làm như lời anh ấy bảo, được bế đi khoảng 300 m, qua hai khúc cua. Xung quanh bên đường, đằng trước, đằng sau mọi người túm tụm nhìn. Tổng cộng phải có khoảng đến 600 người theo dõi ca mổ lần đó của tôi”, chị nhớ lại.
Từ ngày có thêm hai con, chị Thoan cảm nhận người xung quanh có thiện cảm hơn với gia đình họ. Ở quê, anh em, họ hàng đều rất quý ông Trọng. Mỗi khi họ ra đường, mọi người chỉ thấy lạ, chứ không còn dè bỉu nữa.
Hơn 10 năm hôn nhân với hai đứa trẻ xinh đẹp, thông minh, chị Thoan vẫn giản dị đi bên ông Trọng, là người vợ, người trợ lý đắc lực cùng ông nghiên cứu y học.Hàng ngày, ngoài phụ giúp chồng công việc, chị Thoan còn rất c