Mất cái xe đạp điện, mẹ chồng Hoa chửi um lên, nhưng những lời nhiếc móc của bà lại ngầm ý nói cô chính là kẻ trộm.
Bà Cài vốn không ưa Hoa – con dâu trưởng của bà. Bởi bà luôn cho rằng gia đình Hoa không môn đăng hộ đối. Gia đình Hoa nghèo lắm, bố cô lại ốm yếu, mất sức lao động. Nhà Hoa đầu làng còn nhà bà Cài ở trung tâm. Về làng, ai hỏi “hộ nào nghèo nhất” thì người dân sẽ chỉ vào nhà Hoa, còn “hộ nào giàu nhất” thì họ sẽ thẳng tay chỉ vào nhà bà Cài.
Ngày Hoa về ra mắt, bà Cài kịch liệt phản đối, bà còn dùng những lời lẽ xúc phạm mắng xơi xơi vào mặt cô. Hoa ức quá, đứng dậy xin phép ra về và muốn chấm dứt quan hệ yêu đương với Tuấn – con trai bà Cài.
Nhưng không biết may rủi thế nào, khoảng 2 tuần sau Hoa phát hiện mình có thai. Thế là đám cưới của Hoa và Tuấn mau chóng diễn ra. Ngày cưới Hoa, nhà trai đưa yêu cầu gì, nhà gái phải đồng ý. Từ tráp lễ lẫn ngày giờ đưa dâu, nhà bà Cài quyết định, gia đình Hoa không được phép ý kiến.
Thậm chí, đến lúc rước dâu, Hoa phải đi cửa sau để vào nhà vì bà Cài nói rằng: “Gái chửa trước cưới đừng hòng đi vào cửa chính nhà tôi”….
Lấy chồng nhà giàu, ai cũng bảo Hoa sướng, coi như đỡ phải suy nghĩ về kinh tế nhiều. Nhưng có ai ở trong hoàn cảnh Hoa mới thấy cô áp lực thế nào.
Hoa về làm dâu mà như con ở của nhà này. Bụng mang dạ chửa ngày càng to mà tất tật việc trong nhà đều đến tay cô. Bà Cài có một cái tính là ăn cơm rất đúng giờ, nên Hoa muốn làm gì thì làm, 6 giờ sáng, 11 giờ trưa và 6 rưỡi tối là phải có cơm trên bàn rồi. Nhà bà Cài có 5 tầng, cứ 2 ngày Hoa phải lau dọn 1 lần. Chỉ cần bà đi qua, dơ tay quẹt ngang vào thứ gì đó mà dính bụi, chắc chắn hôm đó Hoa nghe mắng chửi thay ăn cơm rồi.
Cả ngày Hoa chỉ có 1 mong ước duy nhất, đó là chồng ở nhà. Bởi chỉ khi có Tuấn bên cạnh, bà Cài mới không đay nghiến, chèn ép con dâu.
(Ảnh minh họa)
Thời gian gần đây, trong nhà bà Cài hay mất đồ. Có mấy cái bình hoa quý trưng bày trong nhà bỗng không cánh mà bay, rồi thì máy tính xách tay của Tuấn cũng bị đánh cắp, một ít trang sức của bà Cài cũng lặn mất tăm… Một mất thì mười ngờ, nhưng bà Cài chỉ có mối nghi ngờ duy nhất, đó chính là Hoa.
Dù không có bằng chứng gì, nhưng đi đâu bà Cài cũng oang oang cái miệng rằng:”Ối dồi đúng là con nhà không có học, nhìn cái mặt nó tôi đã thấy gian. Nhìn cái cách nó bước chân vào nhà tôi đủ để hiểu nó gian xảo thế nào. Bây giờ quen rồi, đủ lông đủ cánh thì nó bắt đầu lấy trộm của cải về cho bố mẹ. Nghèo thì đi kèm với hèn mà…”.
Hoa đã không ít lần ức uất, khóc lóc nức nở mà minh oan cho mình nhưng mẹ chồng vẫn một mực không tin. Bà còn nói cô khéo diễn, đi thi tuồng chèo chắc còn giải quán quân…
Thế rồi, không chỉ nhà bà Cài, mà hàng xóm cũng mất của. Cả khu xôn xao tìm cách bắt trộm thì bà Cài chỉ một mực khẳng định là con dâu mình. Bà ghét Hoa đến độ nhiều người bênh cô mà không được.
Sáng hôm kia, nhà bà Cài lại mất chiếc xe đạp điện. Đen cho Hoa hôm đó cô lại về nhà bố mẹ đẻ từ sớm để cho tiền bố đi khám bệnh. Khi Hoa vừa về đến ngõ đã nghe thấy tiếng mẹ chồng chửi oang oang: “Mày dám lấy xe đạp của bà thì nhà không có phúc đâu. Đừng tưởng mày làm gì mà tao không biết nhé. Mày vào nhà tao cũng phải có sự đồng ý của tao, sống mất dậy thì tao đuổi tống, cái loại nghèo hèn, ăn cắp, ăn trộm…”.
Thấy mặt Hoa về, bà sấn sổ lao đến: “A chị về đây rồi. Nay thì hết đường cãi nhé. Cái xe của tôi vừa mất mà chị lại có tiền về cho bố mẹ. Thế không chị thì là ai, nay thậm thụt, mai thậm thụt, tôi nghi ngờ lâu rồi, nay thì rõ mười mươi nhé. Thảo nào tiền của, vàng bạc trong nhà này lại dễ dàng mất thế. Người ngoài sao mà rành rọt cái nhà này thế được…”.
Hoa ngớ người vì bị mẹ chồng đổ oan. Cô còn lúng túng chưa nói được câu gì thì bà Cài hất đổ cái xe đạp mà Hoa đang dắt. Bà lớn giọng nói tiếp:”Chị cút về nhà mẹ đẻ cho tôi. Nhà tôi không có thứ con dâu ăn cắp như chị, thật xấu hổ. Từ ngày chị về đây, cái xóm này mới mất của chứ có bao giờ mất cái gì. Cái xe tôi để ở sân cả mấy năm không sao, chị về có vài tháng đã thế này, giữ chị chắc nhà tôi cuối cùng còn nóc nhà…”.
Bà Cài chửi to đến nỗi hàng xóm kéo sang rất đông để xem, còn Hoa chỉ đứng khóc, lắc đầu không nhận, nhưng giải thích đến mấy mẹ chồng cũng không nghe.
Đang lúc lời qua tiếng lại như thế thì bác hàng xóm lật đật chạy sang rồi nói:”Thôi thôi, chị đừng mắng con dâu nữa, tôi có bằng chứng đây rồi”.Vừa nói bác vừa dơ điện thoại ra cho mọi người xem. Trong đó ghi lại hình ảnh thằng con út mới học cấp 3 của bà Cài đang lén dắt con xe đạp điện của bà, đã thế còn tiện thể lẻn vào nhà bác đó bê luôn chậu lan quý cả chục triệu của bác đi mất.
Hóa ra nhà hay mất đồ, lại trồng lan quý nên bác này lén lắp camera, ai ngờ lại ghi được cảnh tượng không nên thấy. Điều tra ra thì bà Cài ngớ người khi biết thằng út dính vào tệ nạn xã hội, nghiện ngập mấy tháng nay. Giờ hết tiền nên nó bắt đầu sinh thói trộm cắp. Không lấy được của nhà mình thì ăn trộm của hàng xóm…
Bà Cài điếng người khi biết sự thật. Hàng xóm thì lắc đầu, có người trách bà Cài: “Vừa bà chửi mạnh lắm, đứa nào ăn cắp thì nhà vô phúc, giờ ám ngay vào nhà mình rồi kìa. Thôi tìm thằng đấy về cho đi cải tạo sớm không là hỏng đời người. Còn con Hoa, chúng tôi đều thấy nó ngoan thật. Bao lần bênh nó mà bà không tin, giờ sáng mắt ra chưa?”.
Hoa lau nước mắt rồi cũng nói với bà:”Con biết mẹ khinh con nhà nghèo, nhưng mẹ con dặn đói cho sạch rách cho thơm. Nếu nay không có bác Hoàng minh oan cho con, không biết mẹ sẽ đặt điều thế nào nữa…”.
Mẹ Hoa nghe con gái bị mẹ chồng đổ oan cũng mau mải sang, chứng kiến mọi chuyện bà nói: “Nhà chúng tôi nghèo nên đã chấp nhận thiệt thòi. Nhưng danh dự của nhà tôi bà đừng xúc phạm. Tôi sẽ đón con gái về, giàu nhưng dột từ nóc như nhà bà, chúng tôi không cần. Con Hoa cũng được tôi cho ăn học đàng hoàng, nó đi làm lương tháng cũng thừa nuôi cả nhà. Chỉ vì làm dâu nhà bà mà nó chấp nhận bỏ hoài bão, sự nghiệp. Tôi không biết ai mới là người không biết điều ở đây…”.
Hàng xóm, những người đến xem lắc đầu ngán ngẩm nhìn bà Hòa. Còn bà mẹ chồng khắc nghiệt thì cúi mặt không nói được câu nào. Hoa về thẳng nhà mẹ đẻ, cho đến lúc sinh xong cô sẽ không quay về đây nếu không nhận được lời xin lỗi của nhà chồng!