Việc bật xi nhan quá sớm hay quá muộn có thể tiềm ẩn khả năng gây ra va chạm, tai nạn giao thông cho các phương tiện đang di chuyển cùng, đồng thời có thể bị xử phạt.
Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các trường hợp lái xe bắt buộc phải bật xi nhan, bao gồm:
– Khi chuyển hướng xe: Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ (theo Khoản 1 Điều 15).
– Khi chuyển làn đường: Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn (theo Khoản 1 Điều 13).
Trường hợp bật xi nhan chậm, có thể bị phạt như trường hợp không bật (Ảnh minh họa).
Như vậy, khi chuyển hướng xe hoặc chuyển làn đường, người điều khiển phương tiện bắt buộc phải bật xi nhan. Trường hợp bật xi nhan chậm, tức đang chuyển hướng xe hoặc chuyển làn đường được một đoạn rồi mới bật, người điều khiển phương tiện vẫn có thể bị phạt như trường hợp không bật.
Trong các văn bản pháp luật hiện hành hiện nay, không quy định về việc phải bật xi nhan trước bao nhiêu mét.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, việc bật xi nhan có ý nghĩa thông báo cho các phương tiện khác biết xe chuẩn bị chuyển làn đường hoặc chuyển hướng. Do đó, việc bật xi nhan quá sớm hay quá muộn có thể tiềm ẩn khả năng gây ra va chạm, tai nạn giao thông cho các phương tiện đang di chuyển cùng.
Trên thực tế, người điều khiển ôtô nên bật xi nhan trước 30m và người điều khiển xe máy nên bật xi nhan trước 10-15m để đảm bảo an toàn nhất. Đồng thời, bạn cũng cần tắt xi nhan khi đã qua hết đường rẽ để tránh bị thổi phạt.
Nguồn: https://ngoisao.vn/theo-dong-su-kien/kien-thuc/phai-bat-xi-nhan-truoc-bao-nhieu-met-de-khong-bi-xu-phat-lai-xe-lau-nam-nhung-90-nguoi-khong-he-biet-425661.htm