Đây là câu chuyện được đăng tải trên tờ báo uy tín Mirror
Người ông nội được nhắc đến ở đây chính là ông Frederick Ward Snr, sống ở Anh. Ông đã qua đời vào năm 2020 ở tuổi 91 với tài sản khoảng 500.000 bảng Anh (tương đương khoảng 15,5 tỷ đồng), được lưu giữ trong tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, theo di chúc để lại, những đứa cháu nội của ông chỉ được nhận thừa kế vỏn vẹn 50 bảng Anh (tương đương 1,5 triệu đồng). Sự việc đã gây ra một cú sốc với những đứa cháu và mọi người xung quanh khi biết đều vô cùng bất ngờ. Tại sao người ông này lại làm như vậy.
Ông nội trong câu chuyện, ảnh: ĐSPLTheo thông tin chính thức, ông Frederick Ward Snr là một cựu quân nhân, sau này chuyển sang làm người nối cáp và thường xuyên tham gia các câu lạc bộ xã hội, sống ở Willow Road, South Ealing, London.
Ông có ba người con, lần lượt là Fred Jr, Terry và Susan. Trước đây, ông từng lập di chúc chia tài sản của mình, bao gồm cả căn nhà nhỏ trị giá 450.000 bảng Anh, cho cả ba người. Tuy nhiên, điều không may là con cả của ông, anh Fred Jr đã qua đời trước bố (vào năm 2015).
Sau đó, ông Ward hiếm khi gặp lại vợ con của Fred Jr.
Theo đại diện pháp lý của ông Ward, khi còn sống, ông kể rằng ông rất không vui vì 5 người cháu – là con của Fred Jr. chẳng đến thăm ông trong 3 lần ông nằm viện vì bệnh phổi. Vừa thất vọng vừa tổn thương, ông Ward quyết định chỉ cho 5 người cháu này số tiền ít ỏi khi lập di chúc mà thôi.
Kết quả là 5 người cháu đã rất sốc khi đến lúc chia tài sản, mỗi người chỉ được trao cho một phong bì đựng 50 bảng.
Sau đó, vì quá bức xúc, họ quyết định khởi kiện vì mỗi người đều tin rằng họ đáng nhận được 1/3 tài sản của ông (tức là khoảng hơn 5 tỷ đồng), vì bố của họ cũng là một trong 3 người con của ông cơ mà.
Thậm chí, 5 người cháu này còn cho rằng cô chú của mình là Terry và Susan (2 người em của bố của họ) đã “tác động” để ông viết di chúc, phân chia tài sản không công bằng như vậy.
Sau quá trình kiện cáo kéo dài, giờ thì Quan tòa James Brightwell đã kết luận, di chúc của ông Ward lập năm 2018 là “hoàn toàn hợp lý”, xét trên việc 5 người cháu này “rất ít liên lạc” với ông Ward trong những năm cuối đời ông.
Quan tòa Brightwell nói, một số người có thể nghĩ rằng bố mẹ phải chia tài sản đều cho các con, người con nào đã mất thì phần đó các cháu sẽ được hưởng, nhưng không phải như vậy, mà quyết định chia tài sản thế nào là thuộc về người có tài sản và lập di chúc.
Vì vậy, những người cháu ‘lười đến thăm ông’ giờ đành ngậm ngùi với số tiền nhỏ mà mình được chia vậy.
Khi thông tin này được chia sẻ, mọi người cũng đồng tình rằng, nếu từ đầu các cháu đều quan tâm đến ông nội, chịu khó thăm nom, hỏi han về tình trạng sức khỏe thì đã không đến nông nỗi như ngày hôm nay.
Các cháu cuối cùng chỉ nhận được 1,5 triệu, ảnh: DSDPháp luật Việt Nam quy định về quyền thừa kế thế nào
Người thừa kế theo pháp luật là cá nhân, những người có quyền thừa kế di sản của người chết theo quy định của pháp luật. Việc xác định người thừa kế theo hàng thừa kế dựa trên ba mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định tại khoản 1, Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, được xác định theo thứ tự gồm:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Về quan hệ thừa kế giữa vợ – chồng, khi một trong hai mất thì người còn lại sẽ được hưởng di sản thừa kế. Về quan hệ thừa kế giữa cha đẻ, mẹ đẻ – con đẻ, con đẻ được thừa kế di sản của cha đẻ, mẹ đẻ và ngược lại. Đối với con riêng và bố dượng, mẹ kế phải đáp ứng điều kiện có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế thế vị và thừa kế trong quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ.
Quyền thừa kế do pháp luật quy định, ảnh: dSDHàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Lưu ý trong quan hệ thừa kế giữa anh ruột, chị ruột – em ruột, anh, chị, em ruột có thể là cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Người làm con nuôi người khác vẫn được hưởng thừa kế hàng thứ hai của anh, chị, em ruột mình.
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Chúng ta cũng cần lưu ý, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.