Nhiều trường hợp cho người khác mượn đất để ở hoặc làm đường đi nhưng chỉ nói miệng, không có giấy tờ làm bằng chứng. Đến khi mối quan hệ bất hòa, chủ đất đổi ý không muốn cho hoặc người mượn đất không muốn trả, giữa hai bên rất dễ xảy ra tranh chấp.
Luật sư Ngô Văn Định tư vấn về tranh chấp đất đai cho người dân tại Văn phòng Hội Luật gia tỉnh. Ảnh: D.Quỳnh
* Cho mượn thì dễ, đòi mới khó
Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, để xác định người này cho người kia mượn hay cho hẳn đất thì đôi bên phải chứng minh thực tế ai quản lý sử dụng hợp pháp thửa đất này. Bên cạnh đó, nếu việc cho người khác mượn đất ở mà có lập thành văn bản, thì đây cũng là một trong những cơ sở căn cứ giúp chủ đất có thể đòi lại đất.
Tuy nhiên trên thực tế, việc cho mượn đất thì dễ nhưng khi đòi lại cũng lắm nhiêu khê. Chẳng hạn như vụ tranh chấp 100m2 đất kéo dài nhiều năm liền giữa gia đình ông H.V.K. và ông H.V.N. (cùng ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu). Khi ông K. qua đời, ông N. yêu cầu những người con của ông K. phải trả lại diện tích đất này cho ông vì trước đây ông chỉ cho ông K. mượn tạm để ở (thỏa thuận miệng).
Trong khi đó, những người con của ông K. không đồng ý trả lại đất vì cho rằng, trước đây ông N. đã cho hẳn ông K. và gia đình họ sinh sống ổn định nhiều năm liền.
Tương tự, trường hợp của ông L.S.C. (ngụ xã Phú Lợi, H.Định Quán) cho hàng xóm là ông P.V.Y. diện tích đất ngang 2m, dài 20m (chỉ nói miệng) để làm đường đi sát rẫy nhà ông. Sau đó, vì cho rằng ông Y. làm đường lấn thêm 1m chiều ngang đất nên ông C. không đồng ý cho đất và quyết định rào bít diện tích trước đó đã hứa cho ông Y. dẫn đến hai bên xảy ra tranh chấp.
* Thủ tục để đòi lại đất đã cho hoặc cho mượn
Luật sư Ngô Văn Định phân tích, các con của ông K., ông C. chỉ có thể đòi lại được phần đất đó nếu họ có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013. Ngược lại, nếu họ không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 mà gia đình ông N. và ông Y. có được một trong các loại giấy tờ đó thì họ sẽ không thể đòi lại được phần đất đang tranh chấp.
Cụ thể Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ): quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất như: những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15-10-1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; giấy chứng nhận QSDĐ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15-10-1993; giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất.
Luật sư Vũ Văn Tăng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, khi có nhu cầu đòi lại đất cho mượn, người dân cần gửi đơn đề nghị hòa giải tới UBND xã để được hòa giải theo quy định tại Điều 135, Luật đất đai năm 2013. Nếu UBND xã hòa giải không thành thì hai bên có thể gửi đơn đến tòa án (nếu thửa đất đã có giấy chứng nhận QSDĐ hoặc các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013) hoặc UBND cấp huyện để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định sẽ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ khi có một trong những giấy tờ như: giấy tờ chuyển nhượng QSDĐ, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15-10-1993 được UBND cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15-10-1993; giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật; giấy tờ về QSDĐ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất; các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15-10-1993 theo quy định của Chính phủ.
Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, trong quá trình chứng minh nguồn gốc đất đang tranh chấp thuộc về mình, nếu việc cho mượn đất mà có lập thành văn bản, thì đây cũng là một trong những cơ sở làm căn cứ giúp cho chủ đất có thể đòi lại đất. Cơ sở này là dựa vào quy định tại Điều 164, Bộ luật Dân sự năm 2015 về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
“Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại” – luật sư Định nói.