Mọi người ơi, mình vừa đọc trên báo chính thống thấy có đề xuất này rất đáng chú ý nên mình chia sẻ lại trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!
Cụ thể đề xuất này của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được đưa ra trong thời điểm tiến tới tháng Công nhân (1/5 là ngày quốc tế lao động đấy).
Theo như Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cơ quan Nhà nước được nghỉ cả ngày thứ 7 mà doanh nghiệp không được nghỉ là không công bằng. Việt Nam hiện đang là một trong những nước có giờ làm chính thức cao thuộc hàng đầu thế giới. Do đó, Tổng Liên đoàn lao động đề nghị giảm giờ để người lao động có điều kiện tái tạo phục hồi sức lao động.
Đề xuất giảm giờ làm cho công nhân có điều kiện tái tạo súc lao động, ảnh: DSD
Ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách – pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Xã hội của Việt Nam chúng ta đã có những thành tựu nhất định, người lao động cũng cần phải được hưởng và cần có một lộ trình. Tất nhiên giảm giờ làm nhưng điều kiện lao động của người lao động không được cắt giảm”.
Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn người lao động hưởng lương theo thời gian ủng hộ. Nhưng đối với những lao động ăn lương theo sản phẩm thì họ mong muốn được tăng lương hơn là giảm giờ làm.
“Làm theo sản phẩm, nếu làm 5 ngày/tuần thì không đảm bảo cuộc sống của công nhân chúng tôi”, chị Chu Thị Thu – Công nhân may nói.
“Tôi muốn tăng giờ thêm để có thêm thu nhập, ổn định cho cuộc sống”, chị Nguyễn Thị Thanh Tình – Công nhân may cho biết.
Hiện nay, lao động tại đây đang làm việc 48 giờ/tuần và tuần làm 6 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần thì đồng nghĩa thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều, khó đảm bảo cuộc sống.
Nhiều công nhân có nguyện vọng làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, ảnh: DSD
Ông Phí Quang Đức – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May và Dịch vụ Hưng Long cho biết: “Nếu giảm giờ làm việc xuống, 1 tuần làm 5 ngày thì các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Phía cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp cần duy trì giờ làm việc chính thức như hiện tại và việc nghỉ ngày thứ Bảy lúc này chưa hợp lý. Nếu giảm giờ làm sẽ khiến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: “Một tuần làm việc 40 giờ thì không đủ để khấu hao, không đủ tiền để chi trả cho người lao động”.
“Nước ta cũng chưa thể áp dụng được hình thức lao động dưới 48 giờ/tuần. Người lao động cũng mong muốn được làm thêm phù hợp, chúng ta lại giảm giờ làm việc chính thống thì sẽ không phù hợp trong điều kiện hiện tại và tôi nghĩ rằng cũng chưa đáp ứng được sự mong muốn, đồng ý của số đông người lao động cũng như là người sử dụng lao động trong bối cảnh hiện tại”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thông tin.
Được biết, các nước ASEAN đều duy trì làm việc ngày thứ bảy, chỉ có Indonesia cho nghỉ vì thiếu việc làm. Nhiều ý kiến cho rằng từ đề xuất đi vào thực tế cần phải chuẩn bị dần các điều kiện như cải thiện năng suất làm việc, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập cho người lao động.
Đề xuất đang nhận được nhiều ý kiến bàn bạc, ảnh: dSD
Thực tế đã chứng minh, để từ một nước có thu nhập trung bình thấp đến thu nhập trung bình cao và cao thì người lao động ở tất cả các nước phải làm việc chăm chỉ và phải thúc đẩy xã hội làm việc.
Thực tế là công nhân lao động không chỉ làm 48 giờ/tuần mà còn hơn thế. Đề xuất giảm giờ làm dưới 48 giờ/tuần không phải là mới, đây cũng là là mục tiêu chung của lao động trên thế giới, nhất là người làm việc trực tiếp tại các nhà máy. Song, từ đề xuất đi vào thực tế thì phải chuẩn bị dần các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập lao động.
Trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp nếu giảm giờ làm nữa thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn đang tìm kiếm các đơn hàng để đủ việc cho người lao động từ nay đến hết năm.
Nhiều chuyên gia lao động cho rằng có thể thí điểm điều chỉnh giảm giờ làm việc chính thức ở 1 số ngành nghề và khi nền kinh tế tăng trưởng mức thang mới, khi Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao, thì việc áp chung mức giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần là hợp lý.
Mọi người có đồng ý với đề xuất này không. Hãy chia sẻ quan điểm dưới đây để mọi người có thêm cái nhìn khách quan về vấn đề giảm giờ làm cho công nhân lao động nhé!
Chúc tất cả công nhân nước mình luôn nhiều sức khỏe và hoàn thành nhiệm vụ!
Nguồn : https://www.webtretho.com/f/cong-dong-hieu-luat/de-xuat-giam-gio-lam-chinh-thuc-cho-cong-nhan